
Thời gian pha tra còn tùy thuộc vào sở thích và loại trà mà bạn uống, ví dụ trà xanh cần ngâm trà khoảng 2- 3 phút, trà đen 3- 5 phút, trà ô lonh 4- 5 phút...
Trà ủ bao lâu thì uống được?

Thời gian hãm trà tưởng chừng là một chi tiết nhỏ, nhưng lại là yếu tố quyết định đến hương vị và chất lượng của mỗi tách trà. Nếu thời gian pha quá nhanh, thì trà chưa kịp hòa vào trong nước nên làm cho hương vị trà không trọn vẹn. Ngược lại, để quá lâu có thể khiến vị trà trở nên đắng chát và hao hụt dưỡng chất.
Dưới đây là thời gian lý tưởng để pha các loại trà:
Trà thảo mộc 5 -7 phút
Các loại trà từ hoa, lá, vỏ hoặc rễ cây thường cần nhiều thời gian hơn để chiết xuất hết tinh chất. Nên khi bạn sử dụng thì cần hãm trà thảo mộc từ 5 đến 7 phút trong nước sôi, như thế tách trà của bạn sẽ tăng hượng vị và chứa nhiều dưỡng chất.
Trà đen 3 - 5 phút

Trà đen cũng giống trà xanh đều được làm từ lá chè. Nhưng trà đen lại được lên men và trải qua quá trình oxy hóa hoàn toàn. Do đó, loại trà này cần nhiệt độ nước cao hơn, vào khoảng 90–100°C. Hãm trà đen trong vòng 3 đến 5 phút giúp trà đạt được vị đậm đà mà không bị gắt. Nếu thời gian quá ngắn, trà sẽ nhạt, còn quá dài lại làm trà dễ có vị chát.
Trà ô long 4 - 5 phút
Với trà ô long, nước pha trà bạn nên dùng cũng là nước sôi, nhưng hãy để nước giảm nhiệt độ ở khoảng 85 - 90°C. Khoảng thời gian pha trà ô long là 4–5 phút, như thế các dưỡng chất trong lá trà được chiết xuất ra hết, giúp trà ngon và khi uống bạn sẽ hấp thu đầy đủ các tinh chất trong trà.
Trà xanh 2 -3 phút

Trà xanh là một trong những loại trà phổ biến nhất, khi pha trà bạn nên được hãm với nước sôi, nhưng cần chờ cho nước giảm nhiệt độ, cụ thể là khoảng 70–80°C. Trong quá trình pha trà xanh, bạn không nên ủ trà xanh quá 3 phút để giữ được vị và các chất chống oxy hóa như catechin. Nếu bạn ngâm trà xanh quá lâu nó sẽ đắng và không ngon.
Khi pha trà cần lưu ý gì?

Những điều cần lưu ý để pha trà đúng cách như:
- Nhiệt độ nước khi pha trà rất quan trọng, nếu nước quá nóng có thể làm mất đi các dưỡng chất có lợi trong trà, nhất là trà xanh. Bạn hãy đun sôi nước, rồi chờ khoảng 2–3 phút để nước giảm nhiệt, rồi mới mang đi pha trà
- Việc hãm trà quá lâu không giúp tăng giá trị dinh dưỡng, mà nó khiến trà trở nên đắng gắt, không còn thơm ngon
- Tỷ lệ lý tưởng khi pha trà là khoảng 2–3g trà (khoảng 1 thìa cà phê) pha cùng 150–200ml nước. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể điều chỉnh theo sở thích uống trà đậm hay nhạt.
Trà nóng hay trà lạnh tốt hơn?
Nên uống trà nóng hay trà lạnh là một thắc mắc của nhiều người. Việc này còn tùy vào mục đích và hoàn cảnh sử dụng, bởi mỗi cách thưởng trà đều mang lại những lợi ích riêng.
Ưu điểm của trà lạnh

Trà lạnh là thức uống tuyệt vời cho những ngày hè oi bức, giúp bạn giải khát, giải nhiệt. Bạn có thể dùng các loại trà khác nhau như trà xanh, trà chanh, trà bạc hà...cho thể thêm đá lạnh hay cho vào tủ lạnh để làm mát rồi uống. Để tăng hương vị có thể thêm các nguyên liệu khác.
Ưu điểm của trà nóng
Một tách trà ấm sau bữa ăn giúp bạn đánh bay trạng thái đầy bụng, khó tiêu, giúp hệ tiêu hóa hoạt động hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, trà nóng cũng giúp tăng cường quá trình lưu thông máu, thư giãn mạch máu, giúp bạn dễ chịu và thư thái hơn.
Đặc biệt vào những ngày lạnh, mùa đông thì một ly trà ấm sẽ giúp làm ấm cơ thể, giảm nguy cơ bị cảm lạnh..
Nên dùng trà nóng hay trà lạnh?

Cả hai cách thưởng trà nóng và lạnh đều có lợi, điều quan trọng là bạn chọn sao cho phù hợp với nhu cầu của bạn. Có thể uống trà lạnh với mục đích giải khát, hạ nhiệt, đây cũng là loại trà được biến tấu đa dạng được nhiều người yêu thích, đặc biệt là giới trẻ.
Còn trà nóng thì bạn có thể dùng khi muốn cải thiện tiêu hóa, giữ ấm và thư giãn.
Ai không nên uống trà mỗi ngày?
Một số người dưới đây nên hạn chế hoặc tránh uống trà, như:
Những người nhạy cảm với caffeine

Dù hàm lượng caffeine trong trà có thể thấp hơn cà phê, nhưng với người nhạy cảm với caffein thì cũng có thể bị bồn chồn, khó ngủ khi uống trà vào buổi tối hay gần giờ đi ngủ. Những ngưòi này hãy chú ý đến thời điểm và lượng trà tiêu thụ trong ngày, tốt nhất nên chọn accs loại trà không chứa caffein để sử dụng.
Người thiếu máu

Một số hợp chất trong trà có thể làm giảm khả năng hấp thụ sắt từ thức ăn, ví dụ như polyphenol. Nếu bạn đang bị thiếu hụt máu do thiếu sắt, thì tốt nhất không được uống trà ngay sau bữa ăn, nhất là sau khi ăn những thực phẩm giàu sắt. Như vậy sẽ tạo điều kiện để cơ thể có thời gian hấp thu sắt tốt hơn.
Người đang dùng thuốc, đang có vấn đề về sức khỏe
Trà xanh có thể làm giảm tác dụng của thuốc an thần hoặc các loại thuốc bổ sung sắt. Bên cạnh đó, mỗi loại trà có thể tương tác với các loại thuốc khác nhau, vì thế nếu bạn đang có các vấn đề về sức khỏe hay đang trị bệnh, hãy xin ý kiến bác sĩ trước khi muốn thêm trà vào thực đơn.
Người mắc bệnh dạ dày

Các loại trà như trà xanh và trà đen có chứa tanin, đây là một hợp chất có thể kích thích dạ dày tiết nhiều axit hơn. Việc thường xuyên uống các loại trà này khi đói có thể làm tăng nguy cơ đau dạ dày và nó cũng có thể khiến các triệu chứng trào ngược axit trở nên nặng hơn.
Bà bầu
Trà chứa caffein nhất định, nên phụ nữ mang thai uống trà có thể ảnh hưởng đến thai nhi nếu sử dụng quá nhiều. Nên nếu bạn muốn sử dụng trà thì có thể tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng để đảm bảo an toàn.